HƯỚNG DẪN MUA HÀNG

Tranh Phong Thủy 0943327563
Tranh Sơn Dầu 0943327563

Hình ảnh sản phẩm

Liên kết website

Các liên kết khác

Văn hiến lạc việt

Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam - Phần kết luận [Thứ hai, 26-9-2011]

 Tác giả: Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương - Nhà xuất bản văn hóa thông tin
“Một giả thuyết khoa học chỉ được coi là đúng nếu nó giải thích được hầu hết những vấn đề liên quan đến nó”.
Bởi vậy, sẽ hoàn toàn vô lý nếu tranh dân gian Việt Nam không phải hoặc không thể là sự minh chứng tiếp tục cho sự kỳ vĩ của nền văn minh Lạc Việt. Nhưng may mắn thay, sự trung thành với những di sản văn hóa của tổ tiên của những nghệ nhân Lạc Việt – trải qua nhiều thế hệ – đã truyền lại cho đến tận ngày hôm nay, những bức tranh quý giá về cội nguồn minh triết Đông phương. Những lập luận thông qua những di sản văn hóa phi vật thể lưu truyền trong dân gian, mang nặng tính suy lý chủ quan; nhưng hệ quả của những lập luận này lại là tính hợp lý cho mọi hiện tượng liên quan đến nó. Điều này có thể là những hiện tượng mới lạ so với những phương pháp tìm hiểu cổ sử thông qua vật chứng khảo cổ. Nhưng bài báo được trích dẫn dưới đây trong tạp chí Tia Sáng số tháng 4. 2002 có tựa là: “Nhân đọc EDEN IN
THE EAST – đặt lại vấn đề cội nguồn dân tộc và văn minh Việt Nam”
 – Tác giả Nguyễn Văn, đã chứng tỏ cho sự thống nhất về kết luận của những phương pháp khác nhau trong việc tìm hiểu cổ sử Đông phương.

Một phần trong giới sử học Tây phương từng quan niệm, hay nói đúng hơn là giả định, rằng các nền văn minh Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam chỉ là những nhánh của hai nền văn hóa lớn hơn: Trung Hoa và Ấn Độ. Giả định này đã được dùng như một sử liệu, một thuyết đáng tin cậy, được lưu truyền qua từng thế hệ như là một sự thật, một “thuyết chính thống”. Tính dễ dãi chấp nhận sử liệu đó đã vô tình gieo vào lòng nhiều nguời Việt một tâm lý tự ti, đánh giá thấp nền văn hóa Việt Nam khi so sánh với các nền văn hóa khác. Nhưng nếu chịu khó nhìn vào thực tế và cân nhắc một số dữ kiện nghiên cứu khoa học gần đây thì xem chừng những niềm tin trên đây khó mà đứng vững được.

Đông Nam Á là một trong những vùng đất với nhiều sắc dân và nhiều nền văn minh phong phú nhất và cổ nhất của nhân loại. Với những kiến trúc độc đáo, chạm trổ tinh vi của đền đài, chùa chiền ở Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia đã cho thấy phảng phất nhiều dấu vết của một nền văn minh sáng chói trước đây.
Thực vậy, với một lịch sử lâu đời và nhiều nền văn minh phong phú như thế, song Đông Nam Á lại không được các nhà sử học để ý đến như vùng đất khác. Nếu có, các sách cũng chỉ viết một cách sơ sài, chỉ tập trung vào hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Mãi đến gần đây, văn minh Thời đại Đồng thiếc Đông Sơn và các nền văn hóa trước đó (Thiên niên kỷ thứ nhất trCN) của Việt Nam mới được công nhận là văn minh nguyên thủy của khu vực Đông Nam Á. Ngôn ngữ Austronesian có nguồn gốc từ Đông Nam Á (bị quên lãng) hiện diện rất rộng, trong các quần đảo Melanesia, Polinesia và Micronesia, Đài Loan, Hawaii, và New Zealand, vượt Thái Bình Dương, đến tận Ấn Độ dương khá lâu, có thể trước khi Phật Thích Ca ra đời.
Mãi đến thập niên 1960, một số nhà khảo cổ học trên thế giới, dựa vào nhiều kết quả của một loạt nghiên cứu ở Việt Nam và Thái Lan, đã bắt đầu chất vấn sự chính xác và tính logic của thuyết chính thống trên đây [1]. Gần đây, đã có thêm một số nhà nghiên cứu từ Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia công bố nhiều dữ kiện khảo cổ học cho thấy rằng thuyết văn hóa Đông Nam Á xuất phát từ văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ không còn đứng vững nữa.
Tuy nhiên đến nay, chưa có ai trình bày dữ kiện một cách có hệ thống và nghiên cứu sâu bằng ông Stephen Oppenheimer trong cuốn Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia (tạm dịch: Thiên đàng ở phương Đông: Lục địa chìm đắm của Đông Nam Á) [2]. Bằng những dữ kiện dồi dào được thu thập một cách công phu từ nhiều ngành nghiên cứu khác nhau, Oppenheimer trực tiếp thách thức thuyết chính thống và làm thay đổi những quan niệm về thời tiền sử mà chúng ta từng hiểu và từng được dạy. Đặc biệt, cuốn sách đặt trọng tâm vào việc thẩm định lại các quan điểm về văn minh vào thời tiền sử ở Đông Nam Á, và lần đầu tiên, đặt vùng Đông Nam Á vào vị trí xứng đáng của một vùng đất thường bị lãng quên bên cạnh hai nền văn minh lớn là Trung Hoa và Ấn Độ. Ông cho rằng:
a) Trận đại hồng thủy được đề cập đến trong Kinh Thánh là có thật và xảy ra vào cuối kỷ Băng hà, nhấn chìm lục địa Đông Nam Á, dân chúng phải di tản đi các vùng đất khác để sống.
b) Những dân tộc thuộc phần đảo Polynesian không phải xuất phát từ Trung Quốc, mà có nguồn gốc từ Đông Nam Á.
c) Người Trung Quốc không phải là người sáng chế ra kỹ thuật trồng lúa, mà chính là một số dân thuộc vùng Đông Nam Á đã là những nhà canh nông chuyên nghiệp đầu tiên của nhân loại.
d) Đông Nam Á là cái nôi của văn minh nhân loại ngày nay. Theo Oppenheimer, Atlantis của Đông Nam Á, tạm gọi là “Sundaland”, bởi vì vùng này là một thềm lục địa Sunda, nơi từng là trung tâm hàng đầu về cuộc cách mạng thời đại đồ đá mới, bắt đầu phát triển kỹ thuật trồng trọt, dùng đá để nghiền hạt lúa, vào khoảng 24.000 ngàn năm trước đây, tức là trước cả Ai Cập và Palestine khoảng 10.000 năm.
Khám phá về hạt lúa ở hang Sakai – miền Bắc Thái Lan, hệ thống nông nghiệp được tìm thấy ở Indonesia, ở Việt Nam – thời Phùng Nguyên – gần đây cho thấy cư dân ở đây đã biết trồng lúa rất sớm, từ 5.000 đến 8.000 năm về trước (lâu đời hơn cả thời đại mà những thành tựu được xem là “cách mạng” về trồng lúa ở Trung Quốc). Ngoài ra, nhà khảo cổ học Wilhelm G. Solheim II, trong loạt nghiên cứu từ 1965 đến 1968, cho thấy nền văn minh Hòa Bình là nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế giới, khoảng 15.000 năm trCN. Một nhà khảo cổ học khác, Peter Bellwood, cũng xác nhận nguyên thủy của cây lúa rất có thể là ở chung quanh vùng Đông Nam Á, Trong Eden in the East, Oppenheimer cũng có kết luận tương tự: thay vào một mô hình cho rằng Trung Quốc là xứ sở nguyên thủy của kỹ thuật trồng lúa, chúng ta lại có một mô hình khác mà trong đó các dân tộc “mandi” nói tiếng Nam Á ở Đông Dương dạy người Trung Quốc các kỹ thuật trồng lúa. Người Hòa Bình còn truyền bá văn minh nông nghiệp đến nhiều nơi khác: Nhật, Đài Loan, Phi Luật Tân, Indonesia, Madagascar và Đông Phi từ khoảng 4000 đến 2000 trCN.
Ngay cả trong lĩnh vực kỹ nghệ chế biến, sản xuất, người Đông Nam Á, mà đặt biệt là người Việt Nam, đã phát triển kỹ thuật làm đồ đồng, đồ thiếc và đồ gốm khá cao. Người dân ở vào thời Phùng Nguyên đã từng sản xuất nhiều vũ khí phức tạp, có thể đánh xa và gây tổn thương hàng loạt. Đối chiếu với những khám phá ở Đông Sơn và Phùng Nguyên, xem ra thuyết người Trung Quốc khám phá ra vũ khí đầu tiên không còn vững nữa!
Về đồ gốm, người Việt Nam đã sản xuất nhiều sản phẩm nghệ thuật công phu và thanh tú, và những sản phẩm này được bán trong khắp vùng Đông Nam Á qua đến tận xứ Melanesia. Thị trường xuất khẩu này đã hình thành trước sự ảnh hưởng của Ấn Độ. Các dụng cụ bằng đá tìm được ở Úc châu, đồ gốm ở Nhật đều có nguồn gốc từ Hòa Bình (khoảng 10.000 đến 20.000 năm trCN). Solheim II nhấn mạnh rằng cả hai nền văn minh nổi tiếng của Trung Hoa là Lung Shan và Yang Sao đều xuất phát từ Hòa Bình.
Theo thuyết của Oppenheimer thì người Trung Quốc và Ấn Độ ngày nay có gốc gác từ Đông Nam Á, chứ không phải ngược lại. Một số học giả khác (như Colani, Hornell, van Stein, Geldern, Karlgren, Krom) cũng cho rằng làn sóng người từ Bắc Việt tràn xuống phía Nam và vào Ấn Độ trước khi vùng này bị giống dân Aryan xâm chiếm. Solheim II căn cứ trên những dữ kiện khảo cổ thì thấy rằng giống người Hòa Bình tràn lan xuống phía Nam, bắc và sang hướng tây.

Gần đây hơn, một nghiên cứu quan trọng – thuộc Trường Đại học Texas (Mỹ) và Viện Nghiên cứu Di truyền học Trung Quốc – được công bố trên tập san của Viện Hàn lâm Quốc gia Khoa học Mỹ cho thấy nguồn gốc của người Trung Hoa (và cả người Đông Á) rất có thể là do người từ Đông Nam Á di dân lên [3]. Như vậy, cho rằng dân tộc Việt là xuất phát từ người Trung Hoa có thể là một ngộ nhận!

Edenin the East là một tác phẩm độc đáo, được soạn thảo rất công phu và khoa học. Điều thú vị tác giả là một bác sĩ Nhi khoa, không phải là một nhà khảo cổ. Tuy nhiên, bằng khả năng và kiến thức khoa học của mình, ông đã tiếp nhận tri thức xử lý thông tin từ nhiều nguồn như di truyền học, nhân chủng học, thần thoại, văn học dân gian, ngôn ngữ học, hải dương học, và khảo cổ học để cho ra đời một cuốn sách làm cho nhiều nhà nghiên cứu Đông Nam Á học và khảo cổ phải ngẩn ngơ. Oppenheimer đã, không những trực tiếp chất vấn, mà còn thách đố, những thuyết mà giới chuyên môn chấp nhận như những “chân lý”. Kể từ ngày xuất bản cuốn sách cho đến nay, gần như chưa có một chất vấn nào về tính khoa học của thuyết mà Oppenheimer đề xuất. Có người còn cho rằng đây là một quyển sách quan trọng vào bậc nhất trong ngành Đông Nam Á học!
Tóm lại, nhiều khám phá khảo cổ học mới đây, và nhất là cuốn sách Eden in the East, đã nhanh chóng đưa vùng đất bị lãng quên của Đông Nam Á vào một nơi trang trọng của bản đồ thế giới, và là cái nôi của văn minh nhân loại ngày nay. Và qua những khám phá này, chúng ta đã có dữ kiện để đặt vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam, chất vấn những thuyết mà ta từng được dạy và từng tin như là những chân lý. Chúng ta có bằng chứng để phát biểu rằng trước khi tiếp xúc với người Hán từ phương bắc đến, tổ tiên chúng ta đã tạo dựng nên một nền văn minh khá cao, nếu không muốn nói là cáo nhất trong vùng Đông Nam Á.

Chú thích trong báo:
1.
 Đọc (i) “On the improbability of Austronesian origins in South China”, William Meacham, Asian Perspectives, quyển 25, năm 1984-5; (ii) “The nusantao and North-South dispersals”, Wilhelm G. Solheim II, “Indo-Pacific Prehistory Association Bulletin”, quyển 2, năm 1996; (iii) “Southeast Asia and Korea: from the beginnings of food production to the first states”, W. Solheim II; “The History of Humanity: scientific and cultural development”, quyển I: “Prehistory and the Beginning of Civilization”, do UNESCO/Routledge (London), 1994.
2. “Eden in the East: the Drowned Continent of Southeast Asia”, của Stephen Oppenheimer, Nhà xuất bản Phoenix (London), 1998. Sách khổ 13 x 20 cm, dày 560 trang, kể cả 47 trang tài liệu tham khảo và 28 trang bảng danh mục, chữ loại nhỏ. Giá đề 15 đô-la Canada, hoặc 9 bảng Anh.
3. Đọc: (i) Genetic relationship of populations in Chiana”, J.Y. Chu và đồng nghiệp; Proceedings of the National Academy of Science (USA) 1998, số 95, trang 11763-11768; (ii) “Y-chromosome evidence for a north ward migration of modern humans into Eastern Asia during the last Ice age” B. Su và đồng nghiệp, American Journal of Human Genetics, 1999, số 65, trang 1718-1724.

Qua phần trích dẫn trên, bạn đọc cũng nhận thấy rằng: Với những công trình nghiên cứu mới nhất, một số nhà khoa học trên thế giới bằng những phương pháp khác nhau, đều có một kết luận về nền văn minh Đông Nam Á chính là nguồn gốc nền văn minh Phương Đông.
Những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học này sử dụng những phương pháp tiếp cận phổ biến, nên có thể dễ được chấp nhận. Nhưng về căn bản những phương pháp này khác phương pháp tiếp cận của người viết trong những sách đã trình bày với bạn đọc dù kết luận có điểm tương đồng. Do đó, người viết vẫn bày tỏ một nhận xét cho rằng: tính hợp lý trong việc giải thích những hiện tượng liên quan vẫn là một điều kiện cần thiết cho một giả thuyết khoa học. Bởi vậy, mặc dù có một kết luận giống nhau, nhưng người viết chỉ xin được dẫn chứng bài báo trên như một sự minh họa sắc sảo, chứ không coi là một bằng chứng cho luận điểm của mình. Bởi vì những học giả đó chỉ đề cập đến một nền văn minh Đông Nam Á chung chung, khi trên thực tế không thể có một nền văn minh kỳ vĩ mà sự lan tỏa rộng lớn như vậy, lại không tồn tại một nhà nước để bảo đảm sự tồn tại, tính phổ biến và sự phát triển cân đối của nền văn minh đó. Người viết luôn tin tưởng và chia sẻ với bạn đọc quan niệm cho rằng:

Nhà nước Văn Lang dưới thời đại của các vua Hùng là một thời đại huy hoàng trong cổ sử nhân loại, chính là sự khởi đầu cho gần 5000 năm văn hiến trong lịch sử Việt Nam.

Xin chân thành cảm tạ bạn đọc.
TRANH PHONG THỦY
Điện thoại liên hệ : 0943327563

ĐC 65 Nguyễn Thái Học - Hoàn Kiếm Hà Nội
Email: phongthuynguoiviet@gmail.com

Bản quyền thuộc về tranhphongthuy.vn.