HƯỚNG DẪN MUA HÀNG

Tranh Phong Thủy 0943327563
Tranh Sơn Dầu 0943327563

Hình ảnh sản phẩm

Liên kết website

Các liên kết khác

Văn hiến lạc việt

Tục thờ cúng Tổ tiên: Chén nước trong soi lòng trinh bạch - 5 [Thứ hai, 26-9-2011]

 Tác giả: Hạ Anh Dịch
Nguồn: Viettimes
Hầu hết mọi người dân làng Đình Bảng ngày nay quan niệm rằng tổ tiên sống ở một thế giới khác gọi là thế giới tâm linh. Những người như bà Thuý tin vào sự linh thiêng của tổ tiên, cho rằng họ có thể thấu hiểu, bảo vệ và phù hộ cho con cháu mình.
Bà Thúy quả quyết, tổ tiên đã phù hộ bà rất nhiều từ việc bảo vệ bà khỏi bị tai nạn giao thông ở trên quốc lộ 1 đến việc làm cho mối quan hệ anh em trong gia đình bà hòa thuận trở lại, từ việc giúp cháu trai bà vượt qua kì thi đến việc làm vết thương trên cổ bà mau lành. Bà Thúy tin đây là kết quả của sự quan tâm và lòng thanh kính của mình đối với tổ tiên. Những gì bà đã làm là một sự kết nối, duy trì mối quan hệ của bà đối với những người đã mất.
Ông bà có thể phù hộ con cháu họ là một trong những lý do khiến mọi người coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, vẫn còn có một lý do khác buộc những người còn sống phải quan tâm đối với những người đã mất, đó là các quan niệm thuộc nền tảng đạo đức, đạo lý làm người. Đạo làm con phải “uống nước nhớ nguồn”. Không ai tự nhiên được sinh ra, không ai tự nhiên lớn lên, tất cả đều phải chịu ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và những người đi trước, “có tổ tiên mà mới có mình”. Sự biết ơn và tưởng nhớ công lao của tổ tiên chính là để thể hiện “đạo lý làm người”, một đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.

Tưng bừng ngày hội tưởng nhớ tổ tiên của người Việt
Cách thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên liên quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh kinh tế xã hội. Ví dụ, ngôi mộ mà gia đình bà Thúy xây dựng cho cha mẹ chứng tỏ bà có hoàn cảnh kinh tế khá giả, và bà rất tự hào vì “mọi người cho rằng nó là ngôi mộ đẹp nhất làng”. Chính điều này nhiều khi cũng gây ra không ít những sự ganh đua trong làng. Vì thế, trong nghĩa trang ngày càng mọc lên nhiều ngôi mộ rất lớn và đẹp. Tuy nhiên, giá trị thực sự của một ngôi mộ chính là ở sự thành tâm của đạo làm con. Vẻ đẹp của ngôi mộ không chỉ chứng tỏ sự thành công về mặt tài chính mà còn thể hiện sự tận tụy và tính nhân văn của một gia đình có nền tảng đạo đức tốt đẹp. Cùng với việc thờ cúng, sự quan tâm đến mồ mả cha ông của bà Thuý càng làm nổi bật lên nhân cách tốt đẹp của cá nhân bà nói riêng và gia đình bà nói chung. Bà muốn thực hiện đúng bổn phận làm con cả khi bố mẹ còn sống và khi họ đã mất.

Việc thờ cúng, sự quan tâm đến mồ mả cha ông là thực hiện đúng bổn phận làm con cả khi bố mẹ còn sống và khi họ đã mất.
Trong các dịp giỗ tổ của dòng họ Nguyễn Thạc, những người con còn sống đã nhấn mạnh công lao của các cha ông, từ công lao của vương phi Ngọc Long, người được xem là có công lớn trong việc tạo dựng nên bảy thế hệ có người làm quan của dòng họ đến những thành viên gần đây, những người có công phục vụ tổ quốc trong các cuộc chiến tranh giành độc lập. Tất cả tên tuổi của họ đều được ghi tại “bảng ghi công”.
Công lao mang lại sự vẻ vang và danh tiếng không chỉ cho những cá nhân có liên quan mà còn cho toàn thể đại gia đình. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Thạc, ông Nguyễn Thạc Lượng đã có công mang lại danh tiếng cho tất cả các thế hệ ông bà đi trước và để lại phúc đức cho tất cả các thế hệ con cháu sau này. Nhà thờ họ hay ngôi đình làng Đình Bảng như chúng ta biết ngày nay được xây dựng và đã làm rạng danh trước hết là vợ chồng ông, sau đó đến dòng họ Nguyễn Thạc và đến những người trong làng. Gia phả còn ghi lời nói của ông, đại ý là những công trình do ông xây dựng bao gồm cả nhà thờ họ là di sản để lại cho cả làng chứ không phải cho một cá nhân nào cả. “Ông không màng danh lợi”, ông Sung nói và nhấn mạnh không ai có thể tìm kiếm được bất kì một dấu vết nào chứng tỏ là ông Lượng đã xây ngôi nhà này. “Không giống như ngày nay, mọi người thường khắc tên mình vào các cây cột để được ghi nhớ đến muôn đời”, ông nói với vẻ mặt nghiêm nghị, ám chỉ đến hành động mà những người “tài trợ” thường làm khi góp công khôi phục một công trình kiến trúc.
Nhìn chung người làng Đình Bảng nói riêng và người Việt Nam nói chung thực sự tự hào về việc thờ cúng tổ tiên, hay nói khác hơn là việc này tạo cho họ cơ hội giao tiếp, phát triển mối quan hệ họ hàng, chia sẻ vui buồn và hợp tác với nhau vì lợi ích của cả cộng đồng. Còn nhớ buổi tối “nhận họ” của những người khách từ Nghệ An ra và những người thuộc dòng họ Nguyễn Thạc ở Bắc Ninh, một bữa ăn chung ấm cúng đã khiến họ có điều kiện nói chuyện, trao đổi ý kiến để củng cố thêm tình thân thiết họ hàng. Có thể nói, tổ tiên ông bà và những người đã mất đóng một vai trò hết sức ý nghĩa trong đời sống người Việt Nam hiện nay.

Tổ tiên ông bà và những người đã mất đóng một vai trò hết sức ý nghĩa trong đời sống người Việt Nam hiện nay.
Trong bài nghiên cứu này tôi đã tìm hiểu việc thờ cúng tổ tiên thời hiện đại ở Việt Nam thông qua hai con người sống cách nhau chưa đến 1km trong làng Đình Bảng, đó là bà Thúy và ông Sung.
Họ đều được sinh ra trong thời loạn lạc, đều lớn lên trong thời Pháp thuộc và chiến tranh, họ đều là những thầy cô giáo. Họ là hai nhân vật điển hình trong phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tuy nhiên, họ có những cách khác nhau: Bà Thúy thì tập trung củng cố mối quan hệ của mình với những người đã mất còn ông Sung thì bắt tay vào khôi phục lại một dòng họ sao cho gắn bó hơn. Tóm lại, cả hai trường hợp đều làm cho chúng ta thấy được sự ảnh hưởng của tín ngưỡng địa phương, đặc biệt là tục thờ cúng đối với cuộc sống từng gia đình. Việc thờ cúng tổ tiên trong xã hội Việt Nam hiện đại có rất nhiều hình thức khác nhau nhưng bây giờ và mãi mãi về sau nó vẫn sẽ là một truyền thống có ý nghĩa trường tồn và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống con người.
Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng, một đạo lý, một truyền thống của đất nước hay chỉ là mê tín? Các cuộc tranh luận có thể đã cho chúng ta hiểu một phần nào về bản chất của nó nhưng để hiểu được thờ cúng tổ tiên có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống con người thì chúng ta cần phải theo những vạt khói hương để quay trở lại các bàn thờ ...
TRANH PHONG THỦY
Điện thoại liên hệ : 0943327563

ĐC 65 Nguyễn Thái Học - Hoàn Kiếm Hà Nội
Email: phongthuynguoiviet@gmail.com

Bản quyền thuộc về tranhphongthuy.vn.